• TRANG CHỦ
  • TIN NHANH
  • THẾ GIỚI
  • THỂ THAO
  • QUÂN SỰ
  • GIÁO DỤC
  • Liên Kết Ngoài

    Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

    Quyền im lặng tiếp tục làm 'nóng' dự thảo luật tố tụng hình sự

    Liên quan đến vấn đề bổ sung quyền cho người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo trong Dự thảo luật tố tụng hình sự sửa đổi, nhiều chuyên gia pháp lý vẫn có quan điểm trái chiều. 

    Những ngày qua, diễn đàn Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự thảo Bộ Luật tố tụng hình sự sửa đổi, đặc biệt tranh luận về việc mở rộng thêm “quyền im lặng” của người bị tình nghi phạm tội, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo. Tại các điều 57-60 Dự thảo Luật tố tụng hình sự sửa đổi bổ sung quy định người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.

    Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, tại phiên thảo luận lần này, một số đại biểu trong ngành công an vẫn bảo vệ quan điểm không đồng tình về “quyền im lặng”. Bởi cho rằng quy định này là chưa phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta hiện nay.


    Hai nam thanh niên bị bắt oan trong vụ án tại Sóc Trăng. Ảnh: Quốc Thắng.


    Cơ quan điều tra cho rằng, người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo là những người chống đối xã hội phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước và xã hội. Cụ thể là phải tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, khai báo đúng sự thật để các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng truy bắt những kẻ đồng phạm trong vụ án, xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và vô tội.

    Hơn nữa, chính sách hình sự của Nhà nước đối với người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm, lập công chuộc tội... là khuyến khích, coi đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.

    Việc quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” dẫn tới hệ quả là họ không khai báo về hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, không khai báo về tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang bị tẩu tán... tức là không thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm đang diễn ra phức tạp hiện nay.

    "Quy định về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đang phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, chưa cần thiết phải sửa đổi, bổ sung", một cán bộ điều tra nêu quan điểm.

    Về vấn đề này, một kiểm sát viên cao cấp tại TP HCM cho rằng, việc mở rộng quyền cho những người bị bắt, bị can, bị cáo là một xu hướng tiến bộ trong nền xã hội tiến tới dân chủ, công bằng quyền con người được đề cập cao hơn. Quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo được mở rộng hơn cũng là xu hướng tốt. Họ sẽ có cơ hội để tự bảo vệ mình, tránh được những sai sót từ lời khai ban đầu trong điều kiện bị hạn chế quyền công dân.

    "Thực tế đã có nhiều vụ oan sai xảy ra cũng do lời khai ban đầu khi những người bị bắt sợ quá nên khai bậy. Họ tự nhận mình phạm tội nhưng thực tế lại không làm. Nhưng điều tra viên vẫn cứ theo hướng đó để buộc tội thay vì điều tra khách quan, toàn diện và đầy đủ", kiểm sát viên nói.

    Ông cho rằng, những người vào tù ra tội có thể lợi dụng vào "quyền im lặng" để chốn tránh trách nhiệm, gây khó khăn cho cơ quan điều tra tìm ra sự thật. "Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định mỗi công dân đều có nghĩa vụ khai báo trung thực. Nếu họ khai báo không trung thực, không khách quan thì đều có luật để trừng trị", kiểm sát viên cho biết.

    Có những vụ án nghiêm trọng xảy ra, người phạm tội thực hiện tinh vi hơn, mức độ che giấu cao khiến việc điều tra khó khăn. Nhưng lúc đó đòi hỏi cơ quan điều tra phải nâng cao trình độ, nghiệp vụ điều tra để đáp ứng được thực tế. Khoa học điều tra tội phạm, truy tìm dấu vết đòi hỏi phải ngày càng trang bị tốt hơn để giúp cho cơ quan điều tra.

    Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần tập trung vào việc đào tạo năng lực trình độ cho cả luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán để đảm bảo cho người bị bắt, bị giam, tạm giữ được thực hiện quyền của mình một cách tốt nhất.

    Cùng quan điểm, luật sư Trần Quốc Dũng - Đoàn luật sư TP HCM - cho rằng, nếu các nhà làm luật không mạnh dạn thay đổi về tư duy, nhận thức để luật hóa “quyền im lặng” thì hệ thống pháp luật Việt Nam chưa thể hội nhập với luật pháp phát triển của các nước tiên tiến. Mà có thể là đi trái lại với Hiến pháp năm 2013.

    Hiến pháp năm 2013 ghi nhận sự đảm bảo quyền con người, quyền công dân thì việc luật hóa “quyền im lặng” cũng là điều tất yếu nhằm thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các cam kết trong các công ước quốc tế về quyền con người.

    “Năm 2013, Việt Nam chính thức được bầu vào hội đồng nhân quyền liên hiệp quốc thì việc sửa đổi, luật hóa quyền im lặng là điều cần thiết hơn lúc nào hết”, luật sư Dũng nêu ý kiến.

    Theo luật sư, việc mở rộng quyền cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo cũng là để thực thi quyền được suy đoán vô tội, quyền nhờ người bào chữa của người bị bắt được quy định tại Điều 31 Hiến pháp năm 2013 nhằm tránh oan sai, bức cung, nhục hình…

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét