Chủ trương nêu trên được lãnh đạo Chính phủ thống nhất trong phiên họp thường kỳ tháng 10, diễn ra hôm nay. Sau khi dành phần lớn thời lượng để thảo luận về thu-chi, cơ quan điều hành cho biết chưa thể cân đối được nguồn để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách trong năm 2016.
Do vậy, Chính phủ chưa đề xuất việc tăng lương ở kỳ họp này của Quốc hội, mà sẽ báo cáo cụ thể vào kỳ họp tháng 3 năm sau. Từ nay đến đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, tính toán để có thể xây dựng được phương án tăng lương cho năm sau.
Chính phủ quyết định hoãn trình kế hoạch tăng lương đến đầu năm sau. Ảnh: VGP
Trước đó trong năm 2015, cũng do tình hình ngân sách khó khăn, cơ quan điều hành cũng quyết định không tăng lương đại trà mà chỉ ưu tiên cho 3 đối tượng là người có công, người về hưu, cán bộ công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách có hệ số từ 2,34 trở xuống (tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng). Mức tăng được quyết định khi đó là khoảng 8% lương tối thiểu (1,15 triệu đồng), tương đương khoảng 90.000 đồng một tháng.
Ngoài mức lương dành cho các đối tượng thụ hưởng từ ngân sách, Chính phủ cũng đang xem xét phương án tăng lương tối thiểu vùng (dành cho khu vực doanh nghiệp) cho năm 2016. Phương án cuối cùng được Hội đồng Tiền lương quốc gia trình hồi đầu tháng 9 là 3,5 triệu đồng (mức cao nhất) một tháng.
Cũng trong phiên họp thường kỳ hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ sẽ có các giải pháp để bù đủ khoản hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng của ngân sách trung ương 2015. Theo người đứng đầu Chính phủ, nguyên nhân dẫn đến hụt thu là giá dầu giảm, cũng như giảm điều tiết (giảm các khoản thu thuế) và ngân sách.
Trả lời tại cuộc họp báo sau đó về những biện pháp cụ thể để bù đắp khoản hụt thu nêu trên, Thứ trưởng Tài chính - Vũ Thị Mai cho biết cơ quan điều hành đã xin phép Quốc hội dùng khoảng 10.000 tỷ đồng nguồn thu bán cổ phần tại các doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng sẽ nỗ lực để truy thu cao nhất các khoản nợ đọng thuế, hiện được ước tính ở mức 34.000 tỷ đồng.
Trong số các khoản nợ cụ thể được nhắc tới, Thứ trưởng Vũ Thị Mai có lưu ý tới việc đôn đốc, truy thu 408 tỷ đồng nợ thuế của Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cũng nhắc tới một số nguồn lực khác như khoảng 605 tỷ đồng tiết kiệm từ chi thường xuyên, khoảng 3.500 tỷ đồng ngân sách dự phòng chưa được sử dụng.
Trước đó, số liệu của Bộ Tài chính cho thấy tổng dự toán thu ngân sách 2015 là 911.000 tỷ đồng và thu thực tế đã vượt 16.400 tỷ. Tuy nhiên, phần vượt nằm ở ngân sách địa phương (vượt 47.000 tỷ) trong khi phần ở Trung ương lại hụt hơn 31.000 tỷ, chủ yếu do tác động của giá dầu thô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét